Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Kiêng kỵ khi sử dụng trà

Bạn không nên đun trà hoặc hãm trà trong phích nước nóng vì khi đó vitamin CTrong lá trà sẽ bị phá hủy, nước lại có vị đắng chát. Cũng không nên nhai nuốt lá trà vì có thể sẽ "ăn" vào một số chất gây ung thư.

Uống trà là thói quen của rất nhiều người VN, tuy nhiên uống như thế nào để có lợi cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết. Các nhà khoa học đã đưa ra một số điều nên tránh khi dùng loại đồ uống này:

Đun hoặc hãm trà trong phích nước nóng

Một số người có thói quen đun trà hoặc hãm trà trong phích nước nóng để uống. Cách uống trà như vậy không có lợi, bởi lẽ khi đun hoặc hãm trà ở nhiệt độ cao, chất axit tannic trong lá trà hòa tan trong nước nhiều, chất dầu thơm bị bốc hơi phần lớn, đồng thời vitamin C trong lá trà cũng bị phân hủy.

Nếu cứ uống trà theo cách đó, không những nước trà có vị đắng chát, mà chất dinh dưỡng có trong lá trà còn giảm, không có lợi cho sức khỏe. Chính vì lẽ đó mà nước pha trà cũng nên giữ ở 80 độ C là tốt nhất.

Nhai nuốt lá trà

Nhai sống lá trà rồi nuốt là một thói quen không có lợi. Trong quá trình gia công, thành phần đường trong lá trà bị phân giải do nhiệt sẽ tạo nên một số chất gây ung thư như benzopyrene.

Loại chất này khó tan trong nước nên khi pha trà uống, nó không vào cơ thể được. Nhưng nếu nhai nuốt trực tiếp, độc chất sẽ vào gây hại cho cơ thể, lâu ngày dễ sinh ra ung thư.

Uống trà ngay sau bữa ăn

Trong lá trà có nhiều axit tanna. Nếu uống trà ngay sau khi ăn, protein và chất sắt trong thức ăn sẽ tác dụng kết tủa với axit tanna, gây khó tiêu, giảm thấp khả năng hấp thụ protein và chất sắt.

Các tính toán cho thấy, nếu sau bữa ăn bạn pha 15 g trà uống, lượng hấp thu sắt trong thức ăn sẽ giảm 50%, lâu ngày dễ sinh chứng thiếu máu do thiếu sắt.

Uống nước trà pha để lâu

Nếu pha trà để quá lâu, lượng caffeine tăng lên, tác dụng kích thích cao, uống vào gây khó chịu. Nước trà pha xong để sau vài tiếng sẽ xảy ra phản ứng hóa học, nước trà sẽ bị xỉn màu, thành phần vitamin B và C sẽ bị phân hủy.

Lượng axit tannic trong nước trà để lâu sẽ tăng lên, gây bất lợi đối với người bị bệnh gút và bệnh tăng axit uric. Do vậy, uống trà sau khi pha 4-6 phút là tốt nhất.

Uống trà quá đặc

Trong nước trà đặc có hàm lượng caffein khá cao, khi uống vào gây kích thích trung khu thần kinh, làm tăng độ hưng phấn. Đặc biệt, việc uống trà đặc trước khi đi ngủ sẽ ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ, thậm chí gây mất ngủ.

Ngoài ra, axit tannic trong nước trà đặc sẽ kết hợp vĩnh cửu với vitamin B trong cơ thể, dễ gây bệnh thiếu vitamin B. Axit tannic làm co thắt niêm mạc dạ dày, gây kết tủa protein, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Trà đặc còn làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt trong thức ăn, lâu ngày dẫn đến bệnh thiếu máu.

Uống trà lúc đói

Khi đói bụng, việc uống trà sẽ làm loãng dịch vị, giảm thấp chức năng tiêu hóa, dễ gây viêm dạ dày. Do lúc đói, hiệu suất hấp thu cao nên một lượng lớn thành phần không có lợi trong lá trà được hấp thu vào trong máu, gây nên hiện tượng "say trà".

Uống trà ngay sau khi ăn thịt dê, thịt chó

Thịt dê, thịt chó là loại thực phẩm giàu đạm, còn trong lá trà có nhiều axit tannic. Nếu sau khi ăn thịt dê thịt chó lại uống nước trà ngay, axit tannic sẽ kết hợp với protein thành tannalbin. Đây là chất có tác dụng giữ nước, làm giảm nhu động ruột, không có lợi cho đại tiện, thậm chí bị táo bón, chất độc trong phân bị cơ thể hấp thu, có hại cho sức khỏe.

Dùng nước trà để uống thuốc

Nhiều người có thói quen dùng nước trà để uống thuốc hoặc uống thuốc xong lại uống trà ngay. Làm như vậy là không khoa học, bởi lẽ khi pha trà, các chất có trong lá trà như axit tannic, theine, caffeine... và một số vitamin được hòa tan trong nước. Khi dùng nước trà uống thuốc, các thành phần trong nước trà và thuốc sẽ xảy ra phản ứng hóa học, làm cho thuốc kém hiệu quả và khó hấp thu.

                                     Theo Tri thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét