Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Hương vị trà Blao xứ Bảo Lộc



Đồi chè Bảo Lộc


doi che bao loc 300x194 Hương vị trà Blao xứ Bảo Lộc
Xứ Bảo Lộc trù phú mà thơ mộng với những nương trà xanh bát ngát. Giữa những đồi trà, thỉnh thoảng bạn lại gặp những con suối chảy róc rách hoặc những thác nước tung bọt trắng xóa. Đó đây thấp thoáng những chiếc nón trắng của các cô gái Bảo Lộc xinh đẹp đang thoăn thoắt hái trà. Bạn sẽ hài lòng với khí hậu ôn hòa mát mẻ, với phong cảnh xinh đẹp của miền cao nguyên và với những ly trà thơm ngọt đậm đà chỉ có ở Bảo Lộc.
Khách Du lịch đi Đà Lạt đa số đều dừng chân ở Bảo Lộc – Một thị trấn êm đềm xinh đẹp cách Đà Lạt 120km. Và ai ai cũng mang về làm quà cho người thân đặc sản nổi tiếng của miền cao nguyên trù phú này – Trà Bảo Lộc. Đến Bảo Lộc, chỗ nào bạn cũng nhìn thấy trà: những vườn trà xanh bát ngát chạy tít tắp phía chân trời, trà bao bọc xung quanh nhà ở, trà ở phía trong sân, cho đến trà trong những bao mầu rực rỡ tiệm bán trà. Đến bất kỳ nhà ai ở Bảo Lộc, bạn cũng được người ta tiếp bằng thứ nước mang vị chan chát, man mát ngọt. đó là nước trà.
Ngược dòng lịch sử, từ vùng Cầu Đất trên độ cao 1.000m, theo quá trình hình thành và phát triển, theo nhu cầu khai thác đất đai và nhân công bản xứ của giới chủ Người Pháp mà cây trà lan dài xuống vùng Bảo Lộc, Di Linh theo lộ trình mới mở cửa của con đường từ Đà Lạt đi Sài Gòn vào thập niên 1930. Trà bắt đầu làm quen với đất B’Lao từ các đồn điền của người Pháp như đồn điền Felit B’Lao, B’Lao Sierre.. rồi dần dà là sự ra đời của các trang trại , các rẫy trà, vườn trà của các hộ gia đình. Từ đó ở vùng đất này đã xuất hiện một tầng lớp dân cư đông đảo chuyên sống bằng nghề canh tác hoặc chế biến trà hương. Một thế giới riêng của những người làm trà trên đất Bazan đã khai mở từ gần 80 năm trước, để hôm nay, trà là một trong ba cây công nghiệp quan trọng, phát triển mạnh nhất ở Bảo Lộc.
Và ngay từ những ngày đầu dựng nghiệp trà trên quê hương mình, những người làm trà đã chọn ngay địa danh B’Lao để đặt tên cho sản phẩm của họ. Nhờ tiếng tăm đã được khẳng định của thương hiệu “Trà B’Lao” mà các danh trà sau này đều dùng thêm chữ Trà B’Lao trên sản phẩm của mình. Đó có thể là Danh trà Quốc Thái, Đỗ Hữu, Trâm Anh, hay Rồng Vàng, Thiên Thành, Ngọc Trang… ”Nếu không ghi chữ B’Lao vào bao bì thì sản phẩm như mất đi phần bản sắc quan trọng nhất và rất khó tiêu thụ” – chủ một danh trà đã khẳng định như thế. điều đó minh chứng thêm cho sự hoà quyện máu thịt giữa con người, xứ sở và sản phẩm ra đời trên miền đất cao nguyên. Đồng thời, một lý do quan trọng khác là trà B’Lao mang dấu ấn đặc trưng riêng trong phông vị đã từng chinh phục thói quen thưởng trà của người “Đàng trong” trong khi ở “Đàng ngoài” có trà Bắc Thái nức tiếng lâu đời. Nghề làm trà ở cao nguyên B’Lao đã thành nghiệp cha truyền con nối. Những ông chủ của thế hệ đầu tiên của các danh trà nổi tiếng hầu như đã về với đất. Vẫn là những tên gọi cũ nhưng những người kế nghiệp đã sang đến đời thứ ba, thứ tư. Bảo Lộc chục năm lại đây xuất hiện nhiều doanh nghiệp – doanh nhân trong và ngoài nước tìm đến làm trà. Họ là những ông chủ Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc đến đầu tư, thuê đất đai, nhân công và trồng trà để làm giàu và họ đã giàu nhanh chóng. Gần 1.500 cơ sở sản xuất chế biến trà lớn nhỏ là con số thống kê ở “đô thị trà” Bảo Lộc. Trà B’Lao không chỉ là sản phẩm nội tiêu mà đã toả hương ở nhiều thị trường trên thế giới. Người dân nào ở Bảo Lộc cũng có vài sào trà để sinh sống chủ yếu . Đây là loại cây công nghiệp dễ trồng, dễ chăm sóc mà lại có sức sống vô cùng mãnh liệt . Cứ 10 ngày 1 lần, người ta hái và 10 người sau, những đọt non mơn mởn lại mọc lên. Trà Bảo Lộc được chuyển đi các tỉnh, có những vùng nước lợ mà người ta không thể uống nước được nếu không có trà. Bất kỳ một quán giải khát, quán ăn nào cũng không thể thiếu nước trà. Đây là thứ nước uống giải khát lành mạnh cho mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, ai cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon, đậm đà của trà . Đêm mùa đông lạnh lẽo, một ly trà thơm bốc khói có thể sưởi ấm tay bạn trong chốc lát. Xuân về tết đến, nhà ai lai không có một vài tách trà thơm để tiếp khách đến nhà mừng xuân. Nếu như trà “Đàng ngoài” thường sao suốt và không ướp hương thì trà B’Lao truyền thống cũng có bí quyết riêng . Những đọt trà non hái mang về được luộc hoặc xào cho chín, sau đó đem vò xoăn lại, kế tiếp là sấy bên bếp than hồng đến khi nào trà khô và bốc mùi thơm ngát là được. Trà chế biến đến đây gọi là trà mộc. Một số người thích uống trà này hơn vì nó còn mang đầy đủ hương vị của trà. Muốn ngon hơn, người ta ướp thêm các vị thuốc khác như quế hương, cam thảo. Hương ướp trà B’Lao chủ yếu làhoa sóihoa lài, rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây.
Hãy nghe tâm sự của một bạn trẻ: “Ở nhà, sáng nào tôi cũng pha cho Ba tôi một tách trà, nước phải xanh và trong vắt thì Ba tôi mới vừa lòng. Ngồi bên tách trà thơm bốc khói, Ba tôi sắp xếp công việc cho một ngày và buổi tối cũng vậy, sau bữa cơm chiều, ông có thể ngồi hàng giờ bên tách trà xanh thoảng hương nhài. Tôi cảm tưởng người quên hết tất cả những ưư phiền trong ngày qua làn khói bốc lên từ ly trà” Người ta thường nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện” nhưng ở Bảo Lộc người ta nói “Tách trà là đầu câu chuyên” đấy bạn ạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét