Thập đại danh trà Trung Quốc
1. Dũng khê hỏa thanh Trà Kinh huyện thuộc tỉnh An Huy là nơi sản sinh ra các loại trà nổi tiếng, trong số đó trà Dũng Khê hỏa thanh là loại nổi tiếng nhất. Căn cứ vào các tài liệu khảo chứng thì loại trà này bắt nguồn từ đời Minh . Về lai lịch của nó có một truyền thuyết như sau: “Vào một năm nọ, ở đất Dũng Khê có một vị tú tài tên là Lưu Kim, ngoại hiệu là La Hán tiên sinh. Mùa xuân năm đó, tại núi Loan Đầu thuộc đất Dũng Khê đã phát hiện ra một cây “Kim ngân trà”. Cây trà này sinh trà này sinh trưởng rất đặc biệt, lá của nó một nửa là màu trắng, một nửa là màu vàng, dân bản xứ gọi nó là “Bạch trà”. La Hán tiên sinh cảm thấy kì lạ, bèn hái lá non của nó đem về nhà và bỏ vào nồi sao khô bằng lửa nóng, chế thành một loại trà, ngoại hình đẹp đẽ, trong xanh như ngọc, chất thơm như hoa, mùi vị ngọt ngào, do đó nó có tên là “Hỏa thanh ”. Từ đó về sau, trà Dũng Khê hỏa thanh trở thành loại trà tiến cung nổi tiếng toàn quốc. Theo sự ghi chép cổ thư, thời kì sản lượng trà được sản xuất cao nhất là thời vua Hàm Phong nhà Thanh (1851 – 1861).
2. Tây Sơn Trà Trà Tây Sơn được sinh ra ở núi Tây Sơn, thuộc vùng phụ cận huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây. Theo truyền thuyết kể lại rằng, ở bên cạnh Kỳ Bàn Thạch núi Tây Sơn có trồng rất nhiều trà. Một hôm, ở đó xuất hiện hai vị tiên đến “Kì Bàn Thạch” để đánh cờ. Họ hái lá trà ở bên cạnh Kỳ Bàn Thạch và dung nước suối Nhũ Tuyền nấu sôi pha trà uống. Từ đó về sau, nước suối đó cũng thay đổi mùi vị trở nên thơm ngon và hợp khẩu vị hơn.
3. Thiết Quan Âm Trà 
Trà Thiết Quan Âm ở vùng An Khê tỉnh Phúc Kiến chất lượng rất khác thường. Theo truyền thuyết, vào thời Càn Long nhà Thanh, có một người ở thôn Tùng Lâm Đầu thuộc huyện An Khê tên là Ngụy Ẩm rất sùng đạo Phật, vào mỗi buổi sáng đều lấy một chén trà xanh để cúng dường trước tượng Quan Âm đại sĩ. Một hôm, ông ta nhặt củi trên núi, khi đang đào một hốc đá thì phát hiện ra một cây trà lạ, dưới ánh sáng ban mai lá trà lấp lánh phát sáng, bèn đào nó đem về trồng và chăm sóc cẩn thận. Hái lá của nó chế thành Ô Long Trà, mùi hương đặc biệt kì lạ, lá của nó so với các loại trà khác nặng hơn rất nhiều, người ta gọi nó là “nặng như sắt” (trọng như thiết), do màu của lá trà có màu như sắt, mùi thơm, vị ngọt nên mới đổi tên thành “Thiết Quan Âm”.
4. Tô Châu Bích Loa Trà
Trà Bích Loa Xuân được sinh ra ở núi Động Đình, thuộc vùng Thái Hồ, huyện Ngô, tỉnh Giang Tô. Các loại trà được sản xuất ở Động Đình vốn có lịch sử lâu đời và rất nổi tiếng. Theo sự ghi chép của Thanh Gia Lục, có một câu chuyện như sau: Phía đông núi Động Đình có một ngọn núi tên là Bích Loa Phong, trên vách đá có mấy cây trà hoang, hằng năm người dân ở vùng này hái nó về làm thức uống. Có một năm, mùa hái trà đã đến, mọi người thấy nó phát triển tươi tốt kì lạ. Họ liền cùng nhau hái về, nhưng giỏ trúc mang theo đựng không đủ, bèn bỏ vào trong lồng ngực. Những lá trà tươi vừa đặt vào lồng ngực liền hấp thụ khí nóng và đột nhiên tỏa ra mùi hương lạ, mọi người liền đồng thanh la lớn: “Hách sát nhân hương” (mùi hương giết người). Từ đó về sau, loại trà này là “Hách sát nhân hương”. Trong số những người đi hái trà đó, có một người tên là Chu Chánh Nguyên, rất tinh thông phương pháp điều chế loại trà này. Một năm nọ, hoàng đế Khang Hy nhà Thanh đến du lãm ở vùng Thái Hồ, Tuần phủ Tống Lao dâng trà “Hách sát nhân hương”, sau khi Khang Hy uống xong thấy hương vị đậm đà tinh khiết nhưng tên thì không trang nhã nên mới đặt lại tên cho nó là Bích Loa Xuân Trà.
5. Đại Hồng Bào Trà 
Trà Đại Hồng Bào được sinh ra ở phía trên mặt dốc núi cao của ngọn Cửu Long Khoa thuộc dãy Thiên Tâm Nham của núi Vũ Di ở tỉnh Phúc Kiến. Theo truyền thuyết nước đây, có một vị quan huyện Sùng An, bị bệnh lâu ngày không khỏi. Hòa thượng ở Thiên Tâm tự lấy trà này dâng lên, uống theo liều lượng nhất định bệnh tật liền khỏi. Vị huyện quan này đích thân đến chỗ vách núi mọc cây trà lấy áo Đại Hồng bào (áo bào lớn màu đỏ) đang mặc trên người khoác lên trên cây, đốt hương bái lạy. Tên Đại Hồng Bào do đó mà có vậy.
6. Huệ Minh Trà
Vùng thượng du Âu Giang của tỉnh Chiết Giang có một tộc người Xácư trú tại Cảnh Ninh Sơn. Đây là khu vực mà loại danh trà nổi tiếng Huệ Minh được sản xuất và nổi tiếng khắp nơi. Nó có tên đó vì trà Huệ Minh được trồng ở vùng phụ cận Huệ Minh Tự thuộc núi Xích Mộc, huyện Vân Hòa. Huệ Minh Tự là nơi sản xuất trà có lịch sử lâu đời. Tương truyền, vào những năm Đại Trung triều Đường, có một cụ già của bộ tộc Xá tên là Lôi Thái Tổ, mang 4 người con trai từ Quảng Đông chạy nạn vùng Giang Tây, sau đó lại từ Giang Tây phiêu dạt đến Chiết Giang. Trên đường từ Giang Tây đến Triết Giang cha con họ đã gặp một vị hòa thượng. Bọn họ đối đãi với nhau rất thịnh tình và cùng nhau đi đến Triết Giang. Sau khi chia tay với vị hòa thượng đó, Lôi Thái Tổ bèn dựng một lều cỏ tại vùng Ô Lý thuộc Đại Xích, ở huyện Cảnh Ninh. Gia đình họ dưạ vào mảnh đất khai hoang mà trồng các loài cây lương thực để tạm sống qua ngày. Nhưng sau đó, bọn cường hào ác bá ở địa phương cho rằng 5 cha con họ Lôi đã xâm chiếm đất đai của họ, liền duổi năm cha con họ xuống núi. Gia đình họ Lôi phải tiếp tục cuộc sống lang thang nay đây mai đó. Sự đời thật là khéo, họ gặp lại vị hòa thượng trước đây tại trấn Hạc Khê, huyện Cảnh Ninh. Vị hòa thượng này vốn là tổ sư khai sơn chùa Huệ Minh ở núi Xích Mộc. Huệ Minh Tự có rừng rậm bao quanh, không một bóng người vãng lai. Nhà sư đó liền bảo với 5 cha con họ Lôi lưu lại chùa khai khẩn đất hoang mà trồng trà. Tên gọi trà Huệ Minh từ truyền thuyết này mà ra.
7. Cửu Khúc Hồng Mai Trà 
Cửu Khúc Hông Mai gọi tắt là Cửu Khúc Hồng, sản sinh ở vùng Giang Bạn thuộc Tiền Đường, tức là ở Hồ Phụ thuộc khu vực phía Tây Nam của Hàng Châu. Cửu Khúc Hồng Mai còn gọi là Cửu Khúc Ô Long. Tên gọi này rất thi vị và bắt nguồn từ một truyền thuyết của địa phương đó, đồng thời cũng phản ánh được phẩm chất đặc sắc của lá trà này. Theo truyền thuyết, từ xưa, trong một hốc núi của vùng trồng Cửu Khúc Hồng Mai có một đôi vợ chồng già cư trú, gia cảnh rất nghèo. Khi đã về già, họ mới sinh được một đứa con trai. Hai người rất vui mừng, coi nó như báu vật và đặt tên là A Long. A Long lớn lên rất đẹp trai, mi thanh mục tú, vừa thông minh, vừa lanh lợi, từ nhỏ rất thích nước. Một ngày kia, A Long đang chơi bên bờ suối bỗng thấy hai con tôm đang tranh nhau viên tiểu châu rất sáng. Nó cảm thấy kỳ lạ bèn nhặt viên ngọc châu ấy lên và ngậm vào trong miệng vui vẻ chạy về nhà. Trên đường vô ý nuốt viên ngọc châu ấy vào bụng. Về đến nhà, toàn thân phát ngứa, mẹ nó bèn tắm cho nó, A Long vừa bước vào nước liền biến thành con rồng đen (Ô Long). Lúc đó trời đất bỗng nhiên tối sầm, sấm chớp nổ vang, gió mưa ào ào, con Ô Long nhe răng múa vuốt, bay lên không, ra khỏi phòng và chui vào khe suối, xuyên qua lòng núi, phá vỡ hốc núi rồi bay đi. Hai ông bà thấy con biến hình thành Ô Long vừa thất vọng, vừa đau buồn khóc rống lên và đuổi theo. Con Ô Long ấy dường như cũng lưu luyến mẹ cha không muốn rời ra, bay được một đoạn thì quay đầu lại, liên tiếp 9 lần như vậy. Những nơi mà con Ô Long ấy dừng lại trở thành những khe suối gọi là: “Cửu khúc Thập bát loan”. Sau khi Ô Long bay đi hai ông bà càng thêm đau thương, ngày ngày trông mong, đêm đêm khóc lóc thở than. Con Ô Long cũng thương nhớ cha mẹ. Hằng năm, sau ngày Thanh Minh, nó trở về quê cũ một lần, lúc đến thì bên khe suối mưa rơi gió thổi, sóng nổi cuồn cuộn. Khe suối Cửu khúc trong truyền thuyết và khu vực trong hốc đá ấy rất thích nghi với việc trồng trà, dần dà ở đây đã chế thành một loại trà có hình dáng uốn khúc như rồng, mọi người thường gọi là: “Cửu Khúc Ô Long”. Loại trà Cửu Khúc Ô Long này, ngoại hình uốn khúc như móc bạc, lá trà phủ đầy lông, lông có sắc màu vàng, khi pha với nước sôi thì màu sắc lại đỏ tươi như Hồng Mai. Vì thế nó còn được gọi là Cửu khúc Hồng Mai.
8. Nhạn Đãng Mao Phong Trà 
Nhạn Đãng Mao Phong lúc đầu gọi là “Hầu trà” (trà khỉ), ý nghĩa của tên gọi Hầu trà là do loại trà ấy được loài khỉ trèo lên những dốc núi cao hái xuống. Công bằng mà nói, những lá trà ấy chỉ mọc ở những nơi dốc núi cheo leo mà con người không thể leo lên hái được, tính chất của loại trà này cũng rất khác thường. Núi Nhạn Đãng giống như cái trụ, đỉnh núi thì giống như một cái dùi nhưng đó lại là nơi sinh trưởng tốt của trà. Trong Thanh Bái Loại Sao có chép một truyền thuyết rất lý thú, như sau: Nhạn Đãng Nham ở Ôn Châu có loại Hầu trà, mỗi khi đến cuối xuân thì có một loài khỉ leo lên núi cao hái lá trà theo lời của các vị tăng sĩ trên núi. Bởi vì họ biết loài khỉ này không có gì để ăn, bèn lấy một túi gạo nhỏ buộc vào thân khỉ, những lá trà mà chúng hái và đưa cho các vị tăng là tỏ lòng báo đáp vậy. Đây là truyền thuyết về loại trà Nhạn Đãng Mao Phong, nguyên do xuất xứ của loại trà này còn có thần thoại về “Rồng già ban trà” (Lão Long tứ trà). Tương truyền, vị tổ khai sơn là thiền sư Nặc Cự có cư trú ở Long Thu (thuộc núi Nhạn Đãng, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc ). Một ngày nọ bỗng gặp một vị lão nhân râu tóc bạc trắng nói với nhà sư rằng: “Cảm tạ ân đức của thiền sư đã giúp đỡ tôi có thể sống yên ổn”. Sư Nặc Cự bèn hỏi: “ thưa, Ân đức gì ạ ?”, lão nhân nói: “Đại sư cư trú ở Long Thu, mỗi ngày thường dùng nước nhưng chỉ đổ xuống đất mà không đổ xuống khe suối, nên đã giữ được sự tinh khiết cho con suối. Để báo đáp ân đức đó, tôi tặng một cây trà cho nhà sư dùng cả đời. Sư Nặc Cự lại hỏi: “ Xin hỏi, lão nhân tôn tính là gì? Ở đâu, để ngày sau còn có thể tái ngộ”. Cụ già trả lời: “Xa thì ở chân trời, gần thì ở ngay trước mắt, nếu muốn gặp mặt nhau, thì vào buổi sớm mai vậy”. Nặc Cự liền tỉnh giấc, hóa ra là một giấc mộng. Sáng hôm sau, vừa bước ra khỏi cửa, đứng trên dốc Long Thu nhìn ra bốn hướng và thấy phía trên Long Thu, đầu rồng như tuôn nước, phía xa xa đuôi rồng như ẩn hiện thấp thoáng mới hay rằng ông lão trong mộng là do Lão Long hóa thành. Ông ta liền quay vào nhà thấy trong sân có một cây trà cành lá tươi tốt. Từ đó về sau, theo lời ông lão nói, cây trà tự nó phát triển quanh năm uống không hết.
9. Ô Long Trà 
Theo truyền thuyết, từ xa xưa, ở một vùng núi sâu thuộc An Khê, tỉnh Phúc Kiến, có một người thợ săn tên là Hồ Lương. Một hôm, Hồ Lương đi săn trở về, mặt trời nắng gắt, ông ta sợ thịt săn bị ôi thiu bèn thuận tay hái một số lá trên một cây lạ bên đường. Sau khi về đến nhà, ông phát hiện ra trong nhà không giống như hôm qua, khắp nơi trong nhà mùi hương lan tỏa khắp, bay cả vào trong mũi ông ta. Thế là ông ta đi tìm kiếm khắp nơi, mới phát hiện ra rằng mùi hương ấy là từ những lá cây nọ. Ông ấy dùng những lá cây đó nấu nước uống, tinh thần liền trở nên sảng khoái. Sau đó, ông ta lập tức trở lại núi, đến cây lạ mà ông ta đã hái lúc trước hái một giỏ đầy lá đem về nhà. Sau đun lên rồi uống, phát hiện mùi vị của nó không giống như trước, chỉ có vị đắng mà thôi. Ông để tâm tìm hiểu, cuối cùng mới phát hiện ra rằng lá của cây này cần phải gia công sao khô, sau đó pha nước uống mới có mùi hương. Ở địa phương sản sinh ra loại trà này, âm “Hồ Lương 胡良” (Hú liáng) lại được phát âm tương tự như “Ô Long” (wù lóng). Vì người dân ở đây muốn kỉ niệm Hồ Lương nên đặt tên trà là Ô Long.
10. Quân Sơn Ngân Châm Trà 
Sau thời Ngũ Đại, Đường Minh Tông Lý Tự Nguyên mới lên ngôi. Một hôm khi đang thiết triều nghị sự, thái giám pha trà dâng lên cho vua, nước sôi vừa rót vào ly, lập tức thấy một làn khói trắng bay lên trong không trung. Giữa bầu trời bỗng xuất hiện một con hạc trắng (Bạch Hạc) hướng về phía vua Minh Tông gật đầu ba cái rồi vỗ cánh bay đi. Trà ở trong ly cũng bắt đầu tung bay lên như măng tre vào mùa xuân chồi lên khỏi mặt đất, không lâu sau lại từ từ sà xuống giống như là tuyết rơi. Vua Minh Tông lấy làm kì lạ, quần thần đứng hầu liền phụ họa và tâu rằng: “Đây là Hoàng Linh Mao (tức Ngân Châm Trà) được pha bằng nước lấy từ suối Bạch Hạc (tức giếng Liễu Nghị). Bạch Hạc gật đầu bay lên trời xanh là biểu thị ý nghĩa “vạn tuế”, hồng phúc ngang trời (Hồng phúc tề thiên). Cánh chim đựng lên, biểu thị sự tôn kính đối với vạn tuế gia. Lông chim rơi xuống là biểu thị sự thần phục đối với hoàng thượng. Vua Minh Tông sau khi nghe xong lấy làm vui lòng, liền hạ chỉ, từ đây trở về sau loại trà này được xếp vào loại thượng trà tiến cung.