Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Trà hương trên đất B’lao




Khởi đầu ngày mới với một tách trà hương là thói quen của không ít khách thưởng trà. Sáng tinh mơ, khi sương núi còn la đà trên nhánh cây trước ngõ, pha một ấm trà, hương thơm nhè nhẹ lan tỏa cõi lòng, làm ta thấy nhẹ nhàng, thanh thoát.
khach thuong tra 300x193 Trà hương trên đất B’lao
Khách thưởng trà – Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Trà B’Lao chế biến theo cách làm trà xanh, phù hợp với thị hiếu uống trà của người Á Đông. Đọt trà tươi hái về, được đem vào lò xào, vò, sấy khô để thành trà mộc. Trà mộc sơ chế này có thể pha nước uống. Nhưng có lẽ, cây trà B’Lao sinh trưởng trong một vùng mưa nhiều, nên hương trà không đượm. Người “đàng trong” lại chuộng trà đượm hương, nên phần lớn trà B’Lao là trà có ướp hương các loài hoa, mà người Việt ưa chuộng như hoa sen, hoa sói, hoa lài. Thỉnh thoảng cũng có người ướp trà hương hoa ngọc lan hay hương hoa mộc, nhưng không mấy phổ biến, chỉ để dùng trong gia đình.
Trà bạch mao hảo hạng ướp hương sen được giới thưởng trà cho là “đệ nhất trà hương”. Có điều, trà hương sen không chế biến được nhiều, vì phải đợi khi sen vùng Đồng Tháp Mười nở rộ. Một người thạo nghề, suốt mùa hoa sen cũng chỉ đạo hương đủ để ướp vài trăm ký trà, nên trà ướp hương hoa sen luôn là loại trà có giá trị cao. Bây giờ, vùng hoa sen ở Nam bộ không còn nhiều, đã nhường chỗ cho đồng lúa gần hết, người ướp trà sen chỉ ướp ít một, dùng đãi khách quí hay dùng trong dịp lễ, dịp tết.
Không biết cách ướp trà bằng gạo sen của vùng Thăng Long kinh kỳ thế nào, nhưng theo phương thức được khẩu truyền, tôi dùng gạo sen ướp nhiều lần vào trà bạch mao hạng nhất, mà hương sen cũng chỉ thoang thoảng, không nổi bật lên được, có thể vì tay nghề của mình chưa tới, nhưng cũng có khi cách ướp trà bằng gạo sen chỉ là huyền thoại [*].
Cụ Nguyễn Tuân có kể cách ướp trà sen. Bỏ một nhúm trà vào bông sen hàm tiếu, cho trà hút hết tinh túy của hoa sen vừa nở. Cách ấy cho trà có hương thơm thật của hoa sen, nhưng số lượng ướp được rất ít, trà lại bị ẩm, khi pha xong phải uống ngay. Nếu để hai, ba ngày, hương sen tươi bay mất gần hết, hương trà chuyển thành một mùi lạ, đành phải bỏ đi. Cách ướp này cũng giống như cách các cụ ngày trước, sáng sáng ra trước ngõ, hái vài bông hoa lài, hoa sói mới nở đem úp dưới tách uống trà. Khi rót trà nóng vào, hương thơm của hoa hoà lẫn cùng hương trà bay la đà như làn gió sớm trên mặt tách trà. Nhưng đó chỉ có thể coi là thú chơi của số ít người, không phải ai cũng làm được.
Trà ướp hoa sói là một đặc sản trà hương của B’Lao, vì không mấy nơi trồng được hoa sói để ướp trà. Cây hoa sói được các cụ người gốc Bắc đưa vào hồi giữa thế kỷ trước. Nó cho hương nồng đậm, đặc sắc hơn ở nơi nguyên gốc và trở thành loài cho hương ướp loại trà đặc hữu của Bảo Lộc. Trà ướp hoa sói có vị ngầy ngậy của cơm nếp mới, có hương thoang thoảng mà đằm thắm, quyến luyến. Trà ướp hoa sói luôn có hậu vị ngọt ngọt, bùi bùi của thảo mộc mà không loại trà hương nào có được. Trên núi Spung và trong các khe suối vùng đèo B’Lao cũng có cây hoa sói bản địa, nhưng bông nhỏ, ít hương, không dùng ướp trà được.
Trà ướp hương hoa lài, là loại trà được nhiều người ưa chuộng nhất, vì hương thơm nhẹ nhàng, từ từ, khoan thai, làm ngây ngất khách thưởng trà. Hương hoa lài tôn thêm hương tự nhiên của trà bạch mao. Cả hai hoà quyện lại, phảng phất trên mặt tách trà một làn hơi mỏng, khi ẩn, khi hiện, như sương núi lúc chiều tà. Trà hương hoa lài có thể ướp được số lượng lớn, nên nhiều hiệu trà ở Bảo Lộc coi là loại trà hương chủ lực, làm nên danh tiếng của trà B’Lao một thời. Hoa lài tươi phải mua ở vùng xứ nóng, mà hạng nhất là hoa lài vùng An Phú Đông, Hóc Môn, Gò Vấp… Hoa lài còn nụ, hái ở vườn từ lúc còn tinh mơ, phải đưa về Bảo Lộc trong ngày. Hoa lài nở khỏang sáu, bảy giờ tối. Nếu về trễ, hoa nở mất hết hương đành phải bỏ đi. Trà hương hoa lài dễ ướp nhưng lại rất khó để có trà lài ngon, vì hương lài tỏa ra ở nhiệt độ khá thấp. Nếu bảo quản không khéo, hương bay hết, trà chỉ còn lại vị ngai ngái, không còn là trà hương nữa.
Trà hoa ngâu một thời cũng được nhiều người chuộng. Hoa ngâu trồng nhiều ở vùng Bình Định, Qui nhơn… Hoa ngâu phải sấy khô rồi mới đưa vào. Hoa ngâu khô lại có vị hơi nhân nhẫn, dễ làm biến dạng hậu vị của trà. Dần dần trà ướp hoa ngâu bị trà hoa lài, hoa sói thay thế.
Gần đây, có hiệu trà dùng lá trà tiên, một loài thân thảo, ướp hương cho trà. Lúc còn tươi, lá trà tiên không có hương, nhưng khi sấy khô, nó tỏa hương rất đậm, giới ướp trà gọi là hương dứa. Trà ướp lá trà tiên có mùi cơm nếp mới, rất nồng, khá giống hương lá dứa thơm. Các bà nội trợ hay dùng trà tiên để nấu chè. Trà ướp hương dứa được ưa chuộng ở miền nước lợ ven biển Nam bộ, nhưng giới thưởng trà không dùng, có lẽ vì nó không có nguồn gốc hương hoa và mùi hương dân dã quá.
Để có tách trà hương ngon, thì quả thật cũng lắm nhiêu khê. Nghề chơi là vậy! Trà bạch mao ngon đã khó, ướp hương cho hợp với sở thích, cho đạt mức hoàn hảo còn khó hơn, chưa kể đến khung cảnh nơi uống trà, chưa kể dụng cụ uống trà như ý. Nước pha trà thuần khiết là những đòi hỏi tất yếu của khách thưởng trà sành điệu. Mà có lẽ, thưởng trà không thể có sành điệu hay không sành điệu, chỉ có biết thưởng trà hay không, có cái tâm hòa quyện cùng thiên nhiên hay không mà thôi. Tách trà ngon là một lẽ, còn lòng người có bình lặng hay đang nổi sóng; tâm có hướng thiện hay chỉ lo toan, mưu tính; hình tướng của con người có hài hòa, hòa nhập vào thiên nhiên, vào trời đất hay chỉ co tròn, cuộn chặt trong chiếc vỏ ốc của cố chấp vị kỷ, thì dù trà có hảo hạng thế nào, hương hoa có đặc sắc tới đâu chăng nữa, cũng chẳng giúp gì cho họ được. Có chăng, đấy chỉ là một loại nước giải khát mà thôi. Khi đó, đâu còn cần trà ngon và thú chơi nhiêu khê, cầu toàn của khách thưởng trà cũng không còn chỗ đứng.
May thay trên cõi trần này cũng còn nhiều tao nhân, mặc khách, coi tách trà ngon, ngào ngạt hương là phương tiện đưa con người tìm về nguồn cội chân thiện mỹ; để rồi sau đó, cố sống đẹp hơn, thấm đượm tình người hơn, mong trả lại cho đời một chút hương thoảng, sau khi đã nhận vô vàn hương hoa của trời đất gom tụ trong tách trà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét